Địa chỉ: Phòng 202-204-206-208 – Nhà Phượng Vỹ – Trường ĐH Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh – Khu phố 5, Phường Linh Trung, TP. Thủ Đức , TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 028 3724 5192
Giới thiệu
Bộ môn Khoa học sinh học thú y (KHSHTY) được hình thành từ năm 2012 trên cơ sở sáp nhập 3 Bộ môn (Nội khoa – Dược lý, Bệnh lý – Ký sinh và Sinh lý – Sinh hoá) theo yêu cầu của Khoa trong thời kỳ hội nhập và phát triển. Chính vì được hình thành từ những Bộ môn có lịch sử phát triển mạnh trong những ngày đầu thành lập, trải qua 60 năm cho đến nay nên Bộ môn KHSHTY hiện có một lực lượng giảng viên trẻ, năng động, được đào tạo từ các nước tiên tiến. Bên cạnh đó Bộ môn có sự góp sức của nhiều Thầy Cô thỉnh giảng có trình độ chuyên môn vững vàng, có kinh nghiệm thực tế và có uy tín trong lĩnh vực nông nghiệp. Bộ môn đảm nhiệm hơn 20 môn học của 5 chuyên ngành bậc đại học (kể cả chương trình tiên tiến) và 7 môn học thuộc 2 chuyên ngành bậc Cao học.
Tổ chức nhân sự
Lĩnh vực nghiên cứu
- PGS. TS. Võ Thị Trà An: Tốt nghiệp Tiến sỹ tại Khoa Thú Y, Đại học Utrecht, Vương quốc Hà Lan với đề tài “Đề kháng kháng sinh của Salmonella”. Nghiên cứu về Sử dụng kháng sinh (an toàn và hiệu quả); Tồn dư kháng sinh (trong thịt heo, gà), Đề kháng kháng sinh (vi khuẩn Salmonella, E.coli, Staphylococus aureus, Pseudomonas, Aeromonas…); Các giải pháp thay thế kháng sinh (vaccine, probiotic, prebiotic, thảo dược).
- TS. Trần Thị Quỳnh Lan (Trưởng Bộ môn): Tốt nghiệp Tiến sĩ tại Khoa Thú Y, Đại học Montréal (University of Montréal), Canada với đề tài “Nghiên cứu hiệu lực của vaccine phòng Salmonella Enteritidis trên gà đẻ trứng và khả năng bảo hộ chống sự nhiễm khuẩn” (Immune response following vaccination against Salmonella Enteritidis). Nghiên cứu Ứng dụng công nghệ miễn dịch-protein để xác định những protein sinh miễn dịch để sản xuất vaccine; Phát triển các Kit ELISA trong chẩn đoán và phát hiện kháng thể của vi khuẩn gây bệnh đường ruột; Xác định các gen quy định yếu tố độc lực của vi khuẩn (Salmonella, Staphylococcus aureus, Clostridium perfringens); Nghiên cứu độc tính và tác động gây độc của thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, độc tố nấm; Phát triển các phương pháp chiết xuất và xác định hoạt chất kháng khuẩn từ thảo dược, hoạt chất sinh học IgY ứng dụng trong phòng trị bệnh trên vật nuôi.
- GS. TS. Dương Nguyên Khang (Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và chuyển giao Khoa học Công nghệ): chuyên gia về Quản lý và xử lý chất thải nông nghiệp; Sản xuất khí sinh học (biogas), chất thải sau biogas cho cây trồng, Sử dụng phụ phẩm nông nghiệp và cân bằng dinh dưỡng thú nhai lại liên quan tăng trưởng và giảm phát thải methane, bệnh chân móng và bệnh sinh sản trên thú nhai lại, Ảnh hưởng của stress nhiệt trên sản xuất thú nuôi.
- TS. Đường Chi Mai tốt nghiệp từ Đại học Le Trobe (Úc) với đề tài Nghiên cứu vắc xin tái tổ hợp của Lucilia cuprina (ấu trùng ruối) gây bệnh trên cừu. Nghiên cứu về các ứng dụng kỹ thuật miễn dịch, công nghệ sinh học; Chẩn đoán sự hiện diện một số tác nhân gây nhiễm trên heo (PVC2, Rota virus, E. coli, B. coli …); bò (N. caninum, virus BVDV, lở mổm long móng…); gà (virus Newcastle, Leucocytozoon…); Hiệu quả sử dụng vắc xin phòng một số bệnh trên heo, gà.
- TS. Nguyễn Kiên Cường tốt nghiệp từ Đại học Liege (Vương quốc Bỉ) với đề tài “Nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng khả năng đậu thai trên bò sữa ở TP. Hồ Chí Minh, Việt Nam”. Nghiên cứu về các yếu tố ảnh hưởng năng suất sinh sản của bò; Nghiên cứu nâng cao năng suất sinh sản và chất lượng sữa của bò sữa.
- NCS. Đặng Thị Xuân Thiệp (Phó trưởng Bộ môn) thực hiện tại Đại học Nông Lâm TP.HCM đề tài “Mẫn cảm kháng sinh của một số vi khuẩn gây bệnh hô hấp trên heo và can thiệp giảm sử dụng kháng sinh ở trang trại”. Nghiên cứu về đề kháng kháng sinh của vi khuẩn; sản xuất probiotic cho đại gia súc,
- NCS. Lê Nguyễn Phương Khanh tại Đại học Saskatchewan, Canada. Nghiên cứu Bệnh lý liên quan Clostridium perfringens, Porcine circovirus type 2, Balantidium coli…); Vai trò của protein chuyên biệt 1 (Leukocyte – Specifc Protein 1) trong cơ chế viêm phổi cấp tính; Vai trò của Helical Rosette Nanotubes trong phòng và trị bệnh đường ruột do E. coli, Salmonella.
- TS. Lê Thụy Bình Phương trường Đại Học Nông Lâm Huế với đề tài “Ảnh hưởng hiệp đồng cùa lá sắn (Manihot Esculenta Crantz), bã bia, và than sinh học (biochar) lên sự sản sinh khí methane và năng suất thú nhai lại. Nghiên cứu về sử dụng các phụ phẩm nông nghiệp (lá mì, bã mì, than sinh học…) trong hệ thống thức ăn trên bò nhằm giảm thiểu sự phát thải methane, cải thiện sinh thái dạ cỏ và từ đó nâng cao hiệu quả tăng trọng.
- ThS. Nguyễn Văn Nhã đã tốt nghiệp Thạc sỹ tại trường Đại học Nông Lâm Tp. Hồ Chí Minh với đề tài “Hiệu quả sử dụng Respisure-one kết hợp Draxxin trong phòng bệnh viêm phổi địa phương và điều trị bằng Draxxin trên heo bệnh ở đường hô hấp”. Nghiên cứu các Kỹ thuật, phân tích mô bệnh học; Đánh giá hiệu quả phòng và trị bệnh của thuốc, vắc xin (Mycoplasma, Gumboro…) trên vật nuôi.
- NCS. Ngô Bá Duy hiện đang làm đề tài tại Đại học King Mongkut’s University of Technology Thonburi về nghiên cứu về Dược liệu ứng dụng trong Thú Y, Công nghệ Nano (Nanotechnology) và Cảm biến sinh học (Biosensor) ứng dụng trong Thú Y.
- NCS. Nguyễn Vạn Tín tốt nghiệp từ trường Đại học Nông Lâm Tp. Hồ Chí Minh với đề tài “Thăm dò sự hiện diện của virus Torque teno sus (TTSuV) trên heo”. Nghiên cứu cơ chế gây bệnh của một số tác nhân virus, dược liệu trong thú y.
- ThS. Trần Thanh Tiến, sinh viên Cao học của Đại học New England (Úc) với đề tài “phát hiện ILTV và IBV từ cơ quan nội tạng và mẫu bụi thu thập từ chuồng nuôi gia cầm bằng qPCR”. Nghiên cứu về lĩnh vực Sinh hoá ứng dụng, Dược phân tích. Virus trên gia cầm.
- Cử nhân Lâm Ánh Tuyết: quản lý phòng thí nghiệm và hỗ trợ giảng dạy các môn Sinh hóa, Dược phân tích, Dược bào chế. Tham gia nghiên cứu về các chiết xuất từ thảo dược.nghiên cứu, giảng dạy.