Giới thiệu

Khoa Chăn Nuôi Thú Y được thành lập vào năm 1955. Mục tiêu của khoa là đào tạo những thế hệ Kỹ sư chăn nuôi và Bác sĩ thú y giỏi lý thuyết, thạo tay nghề ở trình độ đại học, và những Thạc Sĩ và Tiến Sĩ có khả năng nghiên cứu chuyên sâu ở trình độ sau đại học. Qua hơn 60 năm hoạt động, Khoa đã đào tạo hàng vạn kỹ sư chăn nuôi và bác sĩ thú y ở cả hai hệ chính quy và vừa học vừa làm, cộng với nhiều Thạc sĩ và Tiến sĩ hiện đang làm việc trong các viện, trường, cơ quan nhà nước và doanh nghiệp, công ty sản xuất, các trại chăn nuôi, …trong khắp cả nước. Từ năm 2010, được sự cho phép từ Bộ giáo dục và Đào tạo, Khoa CNTY hợp tác với Khoa Thú Y, Đại học Queensland, Úc – đào tạo ngành Thú y theo chương trình tiên tiến. Khung chương trình Tiên tiến được thiết kế giống 80% so với chương trình đào tạo ngành Thú y bậc Đại học của Trường Thú Y, Đại học Queensland, Úc.

Hiện nay, khoa có 56 cán bộ viên chức, trong đó 48 viên chức tham gia giảng dạy gồm 12 viên chức có học hàm, học vị PGS. TS, 15 viên chức có học vị Tiến sĩ và 20 viên chức có học vị Thạc sĩ. Khoa đảm nhận đào tạo các trình độ đại học, thạc sĩ, và tiến sĩ cho hai ngành Chăn Nuôi và Thú Y. Khoa Chăn Nuôi Thú Y – trường Đại Học Nông Lâm Tp. HCM có mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với các trường đại học, các viện nghiên cứu, các cơ quan nhà nước cũng như các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp trong cả nước. Khoa cũng là đối tác trong nhiều chương trình hợp tác, trao đổi nghiên cứu với một số tổ chức quốc tế như SIDA SAREC của Thụy Điển ; Đại Học Thú Y Lyons, Toulouse, Nantes của Pháp ; tổ chức ACIAR, trường Đại học Queensland của Australia ; tổ chức FAO ; UNDP của Liên Hiệp Quốc và nhiều chương trình hợp tác ngắn hạn với các trường đại học, viện nghiên cứu của Mỹ, Hà Lan, Australia, Thái lan, Philippines, Malaysia, v.v…

Khoa có nhiều công trình nghiên cứu thiết thực đã được hoàn thành và chuyển giao cho sản xuất như: nghiên cứu sản xuất và ứng dụng bột lá trong thức ăn chăn nuôi; sản xuất các premix vitamin khoáng, các chế phẩm bổ sung dùng trong thức ăn chăn nuôi; khảo sát và chọn lọc, ứng dụng sách lược nhân giống heo; ứng dụng các phương pháp hiện đại để chẩn đoán và điều trị bệnh gia súc, gia cầm; thiết kế lắp đặt túi ủ khí sinh học (biogas) sử dụng trong sinh hoạt để giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tiết kiệm nhiên liệu; ứng dụng tin học vào quản lý chăn nuôi và xây dựng công thức thức ăn tối ưu; xác lập các mô hình chăn nuôi trong hệ thống nông nghiệp bền vững, … Các công trình nghiên cứu này cũng đã được công bố dưới dạng báo cáo tại hội nghị khoa học và/hoặc sách, giáo trình phục vụ cho chăn nuôi thú y cũng như chuyển giao khoa học kỹ thuật vào thực tiễn sản xuất.